Theo trang Business Insdier, hệ thống khử mặn của tổ chức phi lợi nhuận GivePower hoạt động tại vùng bờ biển Kiunga (Kenya) có thể sản xuất 75.000 lít nước ngọt mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho ít nhất 25.000 người.
“Bạn cần tìm cách tạo nước ngọt từ nước biển một cách quy mô nhưng cũng phải bền vững”, Hayes Barnard – Chủ tịch GivePower trả lời phỏng vấn Business Insider.
Thiết bị chạy bằng năng lượng Mặt Trời biến nước biển thành nước ngọt có thể là một giải pháp đầy hứa hẹn cho bài toán khủng hoảng nước toàn cầu.
Ông Barnard hy vọng sẽ mở rộng quy mô hệ thống này trên toàn cầu để cung cấp nước ngọt sạch cho những nơi thiếu nước hàng ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có đến 1/3 dân số toàn cầu không được tiếp cận nguồn nước ngọt sạch. Dự báo đến năm 2025, một nửa dân số thể giới sẽ sống trong các khu vực bị thiếu nước trầm trọng.
Ông Barnard cho biết công nghệ khử mặn không mới, song nó cần sử dụng máy bơm công suất lớn và tiêu hao rất nhiều năng lượng. Điều đó dẫn tới chi phí lọc nước biển thành nước ngọt rất đắt đỏ.
Tuy nhiên, hệ thống lưới điện siêu nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời mà GivePower chế tạo có thể sản xuất gần ra 75.000 lít nước ngọt mỗi ngày. Hệ thống này chạy bằng pin dự trữ năng lượng của Tesla và sử dụng hai máy bơm song song nên hệ thống có thể vận hành liên tục, ngay cả khi một máy bơm cần bảo trì.
Nguy cơ nước ngọt ngày càng thiếu hụt
Khi mực nước biển tăng, các nhà khoa học dự báo nước biển sẽ xâm nhập mặn vào nhiều nguồn nước ngọt hơn tại các khu vực ven biển. Trên thực tế, đó không còn là giả định. Năm 2014, một đợt hạn hán kéo dài tại Kiunga đã buộc người dân phải uống nước giếng nhiễm mặn. Mặc dù biết trước nguy cơ có thể suy thận. Vì vậy, nhà máy biến nước biển thành nước ngọt cần được tiến hành xây dựng khẩn cấp.
Trong đoạn video tuyên truyền về dự án của GivePower, anh Mohammed Atik, một người dân Kiunga chia sẻ: “Nước mặn trong giếng không thể uống được, vì nó có thể gây ra vấn đề về sức khỏe”.
Theo ông Barnard, da trẻ con tại khu vực này bị tổn thương do giặt quần áo bằng nước nhiễm mặn.
Chi phí để xây dựng cơ sở khử mặn đầu tiên của GivePower tại Kiunga rơi vào khoảng 500.000 USD. Và mất một tháng để hoàn thành. Tổ chức hy vọng mỗi năm sẽ thu được 100.000 USD từ việc vận hành hệ thống. Dùng số tiền đó để hỗ trợ xây dựng các cơ sở tại nhiều nơi khác.
Khát vọng đưa nhà máy đến nhiều nơi nhất của Barnard
Mục tiêu của ông Barnard là cắt giảm phí xây dựng mỗi cơ sở xuống còn 100.000 USD. Trong tương lai, ông Barnard muốn gói gọn hệ thống khử mặn bằng năng lượng mặt trời theo kiểu mô-đun nhỏ hơn, chỉ sử dụng một máy bơm cùng lưới điện 15 kilowatt và ba pin Tesla.
Hiện khoản tài trợ cho các dự án của GivePower xuất phát từ lòng hảo tâm của nhiều công ty và cá nhân. Năm 2018, Ngân hàng Bank of America tuyên bố ủng hộ 250.000 USD. Dự án của GivePower cũng đang được thực hiện tại Isle de la Gonâve (Haiti) và Mombasa (Kenya).
Một trong những thách thức sau khi đi vào vận hành các cơ sở khử mặn nước biển là phân phối nước ngọt tới các hộ dân. Ông Barnard hy vọng người dân và các tổ chức địa phương tại mỗi điểm lắp đặt tình nguyện đóng góp trong việc phân phối nước ngọt. Các bệnh viện, trường học và khách sạn cũng sẽ phải trả phí để mua hàng nghìn lít nước ngọt mỗi ngày.