Đó là mục tiêu được đưa ra tại Lễ phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp (KCN) TPHCM giai đoạn 2020-2024 do Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TPHCM (HBA), Ban quản lý các KCN-KCX TPHCM (HEPZA) và Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) tổ chức chiều 19/6.
Theo đó, các bên đặt mục tiêu phát triển 1.000MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 doanh nghiệp (DN) trong các KCN, KCX, Khu công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn TPHCM. Nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10%-15% lượng điện tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, việc phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCN – KCX – KCNC TPHCM có rất nhiều lợi thế trong giai đoạn hiện nay. Đó là với 17 KCN – KCX đã có 4.141ha, trong đó, 2.700ha đất công nghiệp đã xây dựng 1.500 nhà máy. KCNC có 900ha với khoảng 80 nhà máy. Như vậy, tính toán sơ bộ có khoảng 500 – 1.000ha diện tích mái nhà để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Với dư địa như vậy, các KCN – KCX – KCNC trở thành mục tiêu tương đối thuận lợi mà EVNHCMC đang quan tâm hỗ trợ, đấu nối, hòa lưới điện, với chỉ tiêu trước mắt là 100MW vào năm 2020 và 1.000MW cho 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, theo ông Bé, TPHCM còn đầu tư KCX Linh Trung 3 ở Tây Ninh, KCN Long Hậu ở Long An. Do vậy, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng hết sức quan tâm chương trình này lan tỏa ra các KCN ở các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo có sự nhận thức tích cực ủng hộ và tham gia của các công ty hạ tầng, các doanh nhân, DN và nhà máy tại các KCN – KCX – KCNC, những nơi có mái nhà đang chờ đợi sự đầu tư.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVN TPHCM nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Năng lượng tái tạo với ưu điểm là nguồn năng lượng xanh và sạch, chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
TPHCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Trong khi đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TPHCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Theo đó, để tiếp tục vận động DN sử dụng điện mặt trời trên mái nhà, EVN TPHCM thông qua HBA, Hepza sẽ hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, thi công lắp đặt, kết nối những định chế tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng mang đến giải pháp toàn diện về mặt kỹ thuật cũng như tài chính cho DN. Đồng thời, nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển xuất khẩu, cũng như hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới bà mua bán điện mặt trời.
(Theo Hải Quan Online)