Lắp đặt điện mặt trời trong dân tăng mạnh

Đồng Nai có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời (ĐMT). Tiềm năng lớn nhất là bức xạ mặt trời đạt trung bình khoảng 1,85 ngàn kWh/m2/năm, tổng số giờ nắng trung bình khoảng 2,5 ngàn giờ/năm.

Thêm vào đó, quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT ở Việt Nam có nhiều ưu đãi về giá bán nên nhu cầu lắp đặt ĐMT của các hộ gia đình, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Đây là cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

1.Giảm chi phí tiền điện

Để giảm chi phí tiền điện và “đón đầu” chính sách của Nhà nước, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMT. Trong số này có ông Ngô Sỹ Bình (KP.5, TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom).

Nếu như năm 2018, Đồng Nai mới có 77 khách hàng lắp đặt ĐMT áp mái với  tổng công suất 740kWp, thì đến giữa tháng 5-2020, toàn tỉnh có trên 1,8 ngàn khách hàng lắp đặt với tổng công suất trên 34,6 ngàn kWp, trong đó có hơn 1,4 ngàn khách hàng hộ gia đình. Sản lượng ĐMT lũy kế trong năm 2020 là 8 triệu kWp, trong đó, khách hàng hộ gia đình gần 2 triệu kWp. Nhiều công ty lắp đặt, kinh doanh thiết bị ĐMT trên địa bàn tỉnh thông tin, trong 2 tháng qua, nhu cầu lắp đặt ĐMT của người dân, DN tăng khoảng 100% so với 1 năm trước.

Ông Bình cho biết, thời gian gần đây, số lượng thiết bị điện trong nhà tăng lên nhiều, đi kèm với đó là hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt. Để giảm áp lực về chi phí, đầu năm 2020, ông đầu tư 130 triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMT công suất 5kWp (công suất tối đa tấm pin đạt được). Không những giảm được đáng kể tiền điện sinh hoạt, hằng tháng, ông Bình còn bán ngược lại cho ngành điện khoảng 400kW, thu về gần 800 ngàn đồng.

“Thực tế hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi chỉ mất khoảng 400 ngàn đồng tiền điện, quá lợi. Có mua thêm thiết bị điện cũng không quá lo lắng chi phí vận hành” – ông Bình cho hay.

Tương tự, anh Phùng Mạnh Hưng (khu 15, xã Long Đức, H.Long Thành) cũng mới đầu tư hệ thống ĐMT công suất hơn 4,6kWp chia sẻ, những tháng qua, nhu cầu sử dụng điện của gia đình và các phòng trọ tăng rất nhiều, tuy nhiên, hóa đơn tiền điện gần như không thay đổi. Anh Hưng ước tính, mỗi tháng anh tiết kiệm được 1,2-1,8 triệu đồng tiền điện. “Tôi có hơn 10 phòng trọ, gia đình lại buôn bán tại nhà suốt nên đang tính toán tiếp tục đầu tư nếu lợi nhuận khả quan” – ông Hưng cho hay.

Không chỉ tại các khu dân cư, nhiều DN cũng quan tâm và đầu tư lắp đặt ĐMT để chủ động nguồn điện cho sản xuất và tiết kiệm chi phí. Công ty CP Khải Toàn (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Trong năm 2019, công ty này đầu tư trên 60 tỷ đồng lắp đặt hệ thống ĐMT công suất hơn 3,7 ngàn kWp trên mái nhà xưởng của công ty. Với hệ thống này, công ty đã giảm được gần 800 triệu đồng tiền điện hằng tháng và bán ngược lại cho ngành điện tổng trên 3,2 triệu kWh với số tiền thu về hơn 6 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang đầu tư giai đoạn 2, ước tính 1 ngàn kWp để hưởng giá bán cố định trong 20 năm theo Quyết định số 13 của Chính phủ. Đây là khoản đầu tư sinh lời không cao nhưng ổn định và giúp DN chủ động nguồn điện, giảm chi phí sản xuất, có thêm nguồn thu” – ông Lê Linh Quân, cán bộ quản lý trong công ty chia sẻ.

2. Hỗ trợ tối đa người dân và DN lắp đặt ĐMT

Việc phát triển ĐMT trên mái nhà vừa giúp giảm tải áp lực nguồn cung cho ngành điện, vừa tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo từ thiên nhiên, do đó, Nhà nước và ngành điện đang có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ người dân, DN lắp đặt.

Ông Bùi Văn Kỳ, Phó trưởng phòng kinh doanh Điện lực Trảng Bom cho biết, số lượng người dân, DN ký hợp đồng bán ĐMT đang tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, Điện lực Trảng Bom đã ký hợp đồng với gần 100 khách hàng, tổng công suất gần 1,5 ngàn kWp, trong đó khoảng 90% khách hàng hộ gia đình ở các khu dân cư. Nguyên nhân của sự gia tăng này một phần là chính sách mới có hiệu lực, một phần là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành điện. Cụ thể, Điện lực Trảng Bom đã cử cán bộ xuống tận nhà dân tuyên truyền, tư vấn lắp đặt ĐMT; kiểm tra đấu nối và lắp đặt đồng hồ hai chiều; ký kết hợp đồng mua bán điện ngay khi khách hàng có yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Thành Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai cho rằng, ĐMT là nguồn năng lượng “sạch”, tái tạo, thân thiện với môi trường và không bị cạn kiệt; việc phát triển ĐMT đem lại lợp ích kép về kinh tế, năng lượng và môi trường, do đó, ngành điện đang nỗ lực tuyên truyền người dân, DN phát triển ĐMT. “Công ty đã sẵn sàng tiếp nhận nguồn năng lượng ĐMT từ các khách hàng, xây dựng phương án thanh toán tiền linh hoạt, do đó, các hộ gia đình, DN yên tâm đầu tư” – ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, nhu cầu lắp đặt ĐMT trên mái nhà trong thời gian qua ngày càng tăng do nhận thức về năng lượng sạch nói chung và ĐMT trên mái nhà của người dân, DN có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, quy định giữ nguyên giá mua bán điện trong suốt 20 năm đối với khách hàng lắp đặt và vận hành ĐMT trong năm 2020 cũng tác động tích cực đến phát triển ĐMT. Điều này sẽ góp phần làm giảm đáng kể áp lực cho ngành điện trong điều kiện nhu cầu ngày càng tăng, nguồn tài nguyên phát điện ngày càng giảm.

(Theo Báo Đồng Nai online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *