Bộ Công Thương đánh giá phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua nhanh, nhưng chưa hiệu quả. Công suất năng lượng tái tạo khó thay thế được điện than.
Sáng 18/6, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức”. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đưa ra những bất cập, thách thức trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết do được khuyến khích, điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ. Cả nước đã có 5.000 MW điện mặt trời và 1.000 MW điện gió. Dự kiến 1-2 năm tới, khoảng 3.000-5000 MW điện gió sẽ được vận hành.
Tuy nhiên, ông Dũng đưa ra những bất cập. Theo đó, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế. Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, ông cho rằng chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế đấu thầu, chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho biết năng lượng tái tạo còn hạn chế, vẫn chưa thay thế hiệu quả được các nguồn điện phổ biến hiện nay như điện than.
“1.000 MW năng lượng tái tạo chỉ thay thế được 300-350 MW điện than”, ông Dũng nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết 5 tháng đầu năm, sản lượng điện than vẫn chiếm 59-60% tổng công suất cả nước.
Trong khi đó, năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện.
Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong bối cảnh phát triển thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, điện than có nhiều hạn chế, quan điểm chỉ đạo không phát triển nhiều hơn nữa các dự án điện than thì năng lượng tái tại đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, ông cho rằng phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Ông cho rằng nguồn năng lượng này là xu thế chung trên thế giới. Trong đó, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu các chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19. Thời gian tới sẽ tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế ổn định, thông thoáng mới khuyến khích đầu tư lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần chính sách khuyến khích nghiên cứu phát triển nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu, có hiệu suất thấp.
(Theo Zing News)